Sáng ngày 1/8, hơn 400 học sinh, sinh viên và người dân ở TP Thủ Đức - TPHCM, được trải nghiệm mô hình tuyên truyền “hai trong một”.
Hào hứng với phần “khởi động” mang chủ đề tìm hiểu tác hại của các chất ma túy, thuốc lá điện tử (TLĐT), bạn Nguyễn Thảo Vy sinh viên Trường đại học HUTECH chia sẻ: “Buổi tập huấn trang bị cho chúng tôi những phương pháp nhận diện và phòng chống các chất gây nghiện. Trên cơ sở đó, đội ngũ sinh viên sẽ tuyên truyền cho các bạn trẻ và nhân dân, tại địa bàn đang đóng quân, góp phần bảo vệ cộng đồng trước những tác hại của ma túy”. Đồng tình với ý kiến của nữ sinh viên Thảo Vy, bà Lê Thị Thảo, 40 tuổi, cư trú tại khu phố 3 (KP3), Phường Hiệp Phú tâm sự: “Trước vấn nạn TLĐT và chất gây nghiện có nguy cơ tấn công học sinh, sinh viên, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể chú trọng đến việc phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là ma túy đã khiến người dân yên tâm cho nên luôn tích cực hưởng ứng”. Những người tham dự chương trình này còn được xem tận mắt hàng chục loại TLĐT, với hình dạng, bao bì khác nhau. Nhờ vậy, đã nắm bắt được các đặc điểm nhận biết, cùng biện pháp phòng ngừa. Nhiều kiến nghị rất hay cũng được đưa ra với mong muốn đẩy lùi tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Tất cả học sinh, sinh viên đã mạnh mẽ nêu quyết tâm “Nói không với thuốc lá điện tử và ma túy”. Từng gia đình cam kết thực hiện phong trào “ba không”: “Không tham gia mua bán, không vận chuyển hoặc tàng trữ, không tổ chức sử dụng trái phép ma túy”. Các bậc phụ huynh phối hợp với chính quyền và nhà trường, quản lý giáo dục tốt con cái. Hướng các em vào những hoạt động văn hóa, thể dục thể thao lành mạnh, tránh xa tệ nạn ma túy.
Một phiên tòa giả định xét xử vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, cũng diễn ra ngay sau nội dung tìm hiểu tác hại của các chất gây nghiện. “Hội đồng xét xử” gồm các cán bộ Trường đại học HUTECH đã phân tích nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của “bị cáo”. Những người tham dự phiên tòa tích cực phát biểu ý kiến có lý có tình, động viên “người vi phạm” thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Phấn đấu sửa chữa khuyết điểm, trở thành người có ích cho xã hội. “Tác giả” của mô hình tuyên truyền sáng tạo này - anh Nguyễn Quang Linh, bí thư Đoàn phường Hiệp Phú giải thích: “Trong quá trình phối hợp với các trường học và đoàn thể khác, chúng tôi tập trung nhiều hơn cho công tác giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Mục tiêu là không ngừng đổi mới cách làm, cả về nội dung lẫn hình thức để tạo sức hút đối với học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên. Nhờ đó, các địa điểm tổ chức sinh hoạt hè có rất đông trẻ em tham dự, với sự hướng dẫn của lực lượng đoàn viên và tình nguyện viên”.